Căn cứ địa là sản phẩm đồng thời là yếu tố không thể thiếu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chín năm kháng chiến chống Pháp ta có chiến khu đến thời kháng Mỹ lại xuất hiện một hình thái mà cuộc kháng chiến trước chưa hề có, đó là một loại căn cứ địa được coi là hậu phương của phong trào đấu tranh đô thị, có thể ở nơi nào đó trong vùng giải phóng, nhưng có mối quan hệ mật thiết với phong trào cách mạng đô thị như mạch máu tuần hoàn.
Căn cứ đầu tiên của Đoàn Thanh niên khu Sài Gòn - Gia Định được hình thành khoảng tháng 8 năm 1960, ngay sau cuộc Đồng Khởi mở ra vùng giải phóng theo sự chỉ đạo của Khu ủy, căn cứ đầu tiên ấy được thành lập do quyết định của đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Đoàn lúc bấy giờ - Anh Trần Quang Cơ (Tám Lượng) và anh Hồ Hảo Hớn (Ba Lực), người đã đặt bước chân đầu tiên đến khu rừng chồi ấp Xóm Bưng - xã Nhuận Đức - Củ Chi, chỉ cách Sài Gòn hơn 30km. Tuy chỉ tồn tại 6 tháng nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng: không chỉ giúp cho phong trào và tổ chức cách mạng trong nội thành thoát khỏi nguy cơ bị địch triệt phá, mà còn làm cho phong trào khôi phục và phát triển mạnh lên, đồng thời mở ra khả năng phát triển vùng hậu phương có tính chiến lược cho phong trào cách mạng đô thị.
Từ đây hàng loạt các căn cứ khác được mở ra, suốt quá trình cuộc kháng chiến vừa gắn với chỉ đạo của trên, vừa bám chặt phong trào trong đô thị với nhiều loại hình và chức năng đa dạng phục vụ đắc lực cho phong trào như: đảm bảo tốt sự chỉ đạo thông suốt kịp thời, điều lắng cán bộ mở lớp huấn luyện, đào tạo, triển khai nghị quyết tích trữ kho tàng phương tiện, vũ khí đánh địch... trong bất cứ tình huống nào. Đó là một hệ thống các căn cứ gồm căn cứ trung tâm chỉ đạo, căn cứ các cánh sinh viên, học sinh, thanh niên công nhân lao động, lực lượng vũ trang, căn cứ chuyên huấn luyện, in ấn, điều lắng, căn cứ ở vùng sâu, căn cứ lõm ở vùng yếu, căn cứ mật ở vùng tạm chiếm và trong đô thị, đáp ứng yêu cầu đa dạng của cách mạng. Gắn liền với căn cứ là một hệ thống bàn đạp giao liên dưới nhiều hình thức được nghi trang cẩn thận, giữ bí mật dù ở trong vùng giải phóng; bảo đảm các yêu cầu về đường dây chỉ đạo, đưa đón “khách” *, chuyển tải thư từ, sách báo, phương tiện vũ khí vào nội thành.
Tồn tại và phát triển suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ, chúng ta có trên 40 căn cứ, được rải đều 12 tỉnh thành từ rừng núi, nông thôn, đồng bằng, vùng biên giới và ngay cả trên đất bạn Campuchia. Từ Tây Ninh, Trảng Bàng, Củ Chi, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa đến Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Kiến Phong Cao Lãnh, An Giang Hồng Ngự, Ba Thu, Kratié...
Trong hàng loạt các căn cứ trải rộng trên nhiều vùng bao quanh đô thị Sài Gòn - Gia Định như thế, thì căn cứ miền Đông Nam Bộ - đặc biệt là Củ Chi, Bến Cát - trước sau vẫn là căn cứ mang tính chiến lược, cho dù có lúc địch đánh phá, phải chuyển đi trong suốt một thời gian dài. Bởi đây là vùng đặc biệt tiếp cận Sài Gòn, lại là vùng cao có rừng lớn với hệ thống địa đạo hàng trăm cây số, bảo vệ an toàn cho việc tập trung người lẫn phương tiện, làm hậu phương đắc lực cho đô thị. Căn cứ Núi Dinh - Bà Rịa, chỉ cách Sài Gòn hơn 2 giờ đi lại có rừng núi hang động che chở, có nhiều chùa chiền rộng, lối ra vào hợp pháp.
Từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ, hàng mấy chục căn cứ mà ta gây dựng lên đều bằng thứ chất liệu này, từ bảo vệ, giao liên, bàn đạp đến tiếp tế hậu cần, hệ thống che chở vòng trong vòng ngoài.
Chúng ta đã có những tránh đánh quyết liệt, anh dũng như trận càn Cedar Falls, trận càn Manhattan,… Trận càn Cedar Falls diễn ra đầu năm 1967, trên 30.000 quân Mỹ đánh vào khu gọi là “tam giác sắt”, đánh vào căn cứ của Sở chỉ huy quân khu, Khu ủy và khu đoàn Thanh niên - Học sinh - Sinh viên Sài Gòn - Gia Định. Địch sử dụng hàng trăm máy bay chiến đấu, cả B52, xe tăng, xe ủi đất, chó bẹc giê, hơi độc và đặc biệt là đội quân “chuột cống” để đánh phá hệ thống địa đạo, tìm diệt đầu não của cách mạng Sài Gòn. Có hơn 20 đồng chí Thành Đoàn đã hy sinh trong trận càn, nhưng không người nào chịu hàng giặc.
Trận càn Manhattan tiếp theo, địch đánh phá căn cứ, đồng chí Bùi Minh Trực, một sinh viên trí thức vừa tham gia trận cướp tàu địch lịch sử, vượt Côn Đảo trở về, đã chiến đấu anh dũng, không chấp nhận đầu hàng và đã hy sinh sau khi bắn đến viên đạn cuối cùng, diệt được nhiều tên Mỹ tại vùng căn cứ Thanh Tuyền. Còn nhiều và rất nhiều nữa những tấm gương hy sinh anh hùng tương tự, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các đồng chí đã ra đi mang theo bí mật của vùng căn cứ. Địch càn qua rồi, nhưng chúng không thể nào biết được chúng vừa vào tận nơi đầu não chỉ đạo phong trào cách mạng của tuổi trẻ Sài Gòn từng uy hiếp chúng ngay giữa sào huyệt. Chúng cũng không thể nào biết được đã chạm trán với những con người mà ngày hôm qua họ từng chiến đấu chạm mặt chúng giữa các đường phố Sài Gòn.
Căn cứ Thành Đoàn đã nhận được sự giúp đỡ của người dân vùng căn cứ, người dân đã cưu mang, che giấu, hỗ trợ cán bộ căn cứ. Bên cạnh đó, sự giúp đỡ đã trở thành ân tình sâu nặng của Đảng, mặt trận, đoàn thể các cấp, các đồng chí bộ đội, dân quân du kích địa phương, đặc biệt trực tiếp là xã, ấp đã hết lòng góp sức tạo điều kiện xây dựng căn cứ thuận tiện và an toàn nhất, cung cấp người ưu tú, kể cả cán bộ Đảng viên, lực lượng vũ trang cho công việc bảo vệ quản lý căn cứ, cung cấp người cho công tác bàn đạp giao liên, giữ gìn bí mật, phối hợp cùng chiến đấu bảo vệ mỗi khi địch càn quét đánh phá căn cứ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Phải khẳng định một điều, không có vùng giải phóng, không có địa phương, không có chiến tranh cách mạng của bộ đội dân quân du kích để giữ vững thành quả cách mạng thì không thể có căn cứ của Thành Đoàn chúng ta!
Căn cứ Thành Đoàn, mái nhà che chở, bảo vệ tổ chức, cán bộ cách mạng ở thành phố khi gặp nguy hiểm, đồng thời cũng là mái ấm tình thương của đại gia đình Thanh niên - Học sinh - Sinh viên cách mạng Sài Gòn.
Những ngày sống ở căn cứ Thành Đoàn là những ngày hạnh phúc, một thứ hạnh phúc không yên bình, hạnh phúc trong gian khổ, trong chiến tranh ác liệt nhưng là những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên được trong đời đối với bất cứ ai, những Thanh niên - Học sinh - Sinh viên đã từng một thời tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thời gian càng lùi xa thì lòng nhớ thương càng da diết!
Căn cứ Thành Đoàn của chúng ta anh hùng nghĩa tình là thế đấy! Mong rằng tuổi trẻ hôm nay kế thừa sự nghiệp của những người đi trước, các bạn đang tiến quân vào sự nghiệp cách mạng mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trên ba lô hành trang cần thiết của các bạn, chắc chắn sẽ có cái gia tài truyền thống lịch sử anh hùng đầy tự hào này.
BAN CHỦ NHIỆM
CÂU LẠC BỘ TRUYỀN THỐNG THÀNH ĐOÀN